Tiếp nhận Teen vọng cổ

"Teen vọng cổ" nhanh chóng thu hút nhiều người nghe, đặc biệt là giới trẻ, được cho là vì nhạc trong sáng, nhí nhảnh, đáng yêu, cũng như lời nhạc dễ nghe và dễ hiểu.[12][13] Doanh thu tác quyền cho việc sử dụng bài hát làm nhạc chuông, nhạc chờ được tiết lộ lên tới 1 tỷ đồng/năm – con số kỷ lục lúc bấy giờ.[12][14][15] Bài hát đã xuất hiện với tần suất dày đặc và "ở bất kỳ đâu".[16]

Đa số các phản ứng và đánh giá bài hát đều là chỉ trích và tác phẩm bị coi là "thảm họa nhạc Việt"[17][18] hay "thảm họa V-pop"[19] bởi lời ca khúc sến sẩm cùng sự kết hợp "nửa tây nửa ta khá thô kệch".[20][21] Ra đời trong hoàn cảnh nhiều bài hát cũng được coi là "thảm họa" khác như "Da nâu" của Phi Thanh Vân hay "Nói dối" của Phương My, bài hát đã bị đánh giá là "siêu nhảm" và "như nồi lẩu thập cẩm".[9][22][23] "Teen vọng cổ" cũng được cộng đồng mạng xếp vào "Ba ca khúc kinh khủng nhất của làng nhạc Việt 2009".[15][22][11] Dù vậy, NSND Bạch Tuyết lại dành lời khen ngợi cho bài hát vì nó chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.[24] Đáp lại những lời chỉ trích, Vĩnh Thuyên cho biết ông vẫn "làm việc tuân theo nguyên tắc của thị trường" và "có điều gì khán giả cần [thì] sẽ đáp ứng".[25] Ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim cũng lên tiếng phân trần rằng bài hát của cô không có gì dung tục mà chỉ kể về câu chuyện tình yêu trong sáng và kêu gọi một sự cởi mở hơn đối với sự đổi mới và "liều lĩnh" trong âm nhạc.[10][11]

Bài viết của báo Hànộimới nhận định việc bài hát trở nên nổi tiếng là vì "thái độ dễ dãi của công chúng", "thiếu sự phản ứng cần thiết [...] và thái độ lao động nghệ thuật không nghiêm túc của nghệ sĩ".[26] Trong một bài phỏng vấn cho báo Tuổi Trẻ, nhà thơ Đỗ Trung Quân nhìn nhận các bài nhạc "nhảm", trong đó lấy "Teen vọng cổ" làm ví dụ, chỉ là "trò đùa vui của các bạn trẻ" và sớm "rồi cũng quên".[27] Một bài viết trên Báo Cần Thơ đã chỉ trích Kim Tử Long khi biểu diễn lại ca khúc dưới sáng tác của Trần Anh Khôi và soạn giả Tô Thiên Kiều trong chương trình Nghệ sĩ và tri âm trên kênh LA34, đồng thời nhận định ca khúc là một sự "nhạo báng" đối với vọng cổ.[28] Tuy nhiên, bài phân tích trên RFA với tựa đề "Ác mộng của nền âm nhạc Việt?" lại phê bình giới báo chí vì quá gay gắt với bài hát, cho biết Việt Nam còn thiếu những nhà đánh giá chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, khiến cho nhận định của các tờ báo trở nên "một chiều, khiên cưỡng và khập khiễng"; nhiều người trẻ được phỏng vấn cũng cho biết ca khúc chỉ "nghe để vui tai" chứ "không thích" và cũng không đại diện cho tình trạng nhận thức của họ. Nhạc sĩ Tuấn Khanh thì lấy bài hát làm một trong những thí dụ cho "nền âm nhạc Việt Nam đang bế tắc [...] bởi vì không có cửa ra cho tác phẩm tử tế".[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Teen vọng cổ http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Phong-su-Ky-su/50677... http://phunuthoinay.vn/mot-thoi-gay-sot-voi-teen-v... https://molistar.com/hau-truong/cuoc-song-hien-tai... https://www.xaluannews.com/modules.php?name=News&f... https://www.youtube.com/watch?v=GF-eWK71vd8 https://www.youtube.com/watch?v=uIsDimynfH8 https://ione.net/cuoi-moi-mieng-voi-cac-be-2-tuoi-... https://ione.net/vinh-thuyen-kim-hat-teen-vong-co-... https://ngoisao.net/elly-tran-vao-vai-ma-teen-2580... https://vnexpress.net/cuoi-nam-cac-tao-thi-idol-19...